Bình luận tiểu thuyết

Chàng ngốc ở thôn nọ – Phúc Bảo

Nghe người nào đó nói lâu rồi không được đọc review của Hoa Ban, lại nghe đứa nhiều chuyện nào đó bảo Hoa Ban thích bộ này, nhất định sẽ viết review… Haizzz… nói chung là mình chọn im lặng, bây giờ chín muồi thì xả cho hết đây!

Đọc xong bộ điền văn thứ n, Hoa Ban ngộ ra một chân lý: Nếu phải tìm một thể loại gọi là CHUẨN MỰC cho truyện ngôn tình thì đó không thể nào khác ngoài ĐIỀN VĂN.

Bạn không thích điền văn hay bạn không đủ kiên nhẫn với điền văn, chưa từng đọc điền văn? Vậy thì xin chân thành thông báo, bạn không biết gì cả và chưa có may mắn thưởng thức giọt tinh túy nhất trong thế giới ngôn tình!

Nói thật, viết truyện với một tấn kịch tính thì rất dễ nhưng viết ra một câu chuyện “thiếu cốt truyện”, nhẹ như lông, thoáng qua như gió… thì khó vô cùng! Điền văn lại là thể loại như thế. Nó ít khi đi tới xung đột dữ dội cũng hiếm lúc kể chuyện hoành tráng xa xôi. Điền văn là thể loại đáng xem nhất, nhiều “tố chất” nhất, chân thật nhất và giá trị nhất trong tất cả truyện ngôn tình. Điền văn ngoài sự lãng mạn mộng mơ tuyệt đối không thể thiếu cái bình dị của lòng người, cái nhẹ nhàng của cuộc sống và cái chân chất của tình cảm.

Điền văn không chỉ kể câu chuyện tình yêu của một đôi trai gái mà nó đang kể câu chuyện cuộc sống, câu chuyện đời thường với nổi bâng khuâng và trắc ẩn riêng. Ở đó ta thấy được mỗi người đều là một cá thể độc lập và không thể thiếu để tạo ra “xã hội”. Điền văn đôi khi dạy ta cách sống ở đời, cách đối nhân xử thế, cách dung hòa giữa tình và nghĩa, cách để thời gian trôi đi và cuộc đời êm ái như dòng chảy không nhanh không chậm…

97224b6f3252a22cfd8fa5d6b96fd564a5f3d91113a1c-TRzmTi_fw580

Và câu chuyện điển hình tôi muốn nhắc tới ở đây là “Chàng ngốc ở thôn nọ”.

Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa có một anh ngốc gọi là Trường Sinh lấy cô vợ lỡ thì tên Hà Hoa. Họ sống trong một thôn nghèo mà đầu trên xóm dưới là cái ổ bát quái lắm thị phi. Một đất nước lúc này thu nhỏ bằng phạm vi ngôi làng và ngoại quốc chính là thế giới bên ngoài làng đó. Cuộc sống ở đấy ngày ngày diễn ra, một cộng đồng nhỏ hội tụ đủ loại nhân cách, đủ loại lối sống, đủ loại con người… một câu chuyện dân dã, xảy ra ở nơi dân dã nhưng có thể đem tới nhiều triết lý trên đời – cái mà luôn luôn đúng như 1+1=2 cho dù bạn ở đất nước nào, hành tinh nào.

Trong cái thôn bé tí đó, Trường Sinh lớn lên với sự bao bọc của bà nội nuôi, tồn tại với đời như ngọn cỏ khẳng khiu bên vệ đường, một tâm hồn tự do và thanh bạch, một logic chuẩn mực mà giản dị. Sẽ không ai trong thôn có thể gấp chăn đều tăm tắp, khuôn mẫu và tỉ mỉ hơn hắn. Sẽ không ai trong thôn có chiếc đồng hồ sinh học chính xác đến đơn vị khắc, một lịch trình sinh hoạt khoa học, một tác phong chăm chỉ và cần mẫn hơn hắn. Cũng không ai có khả năng quy đổi cách sống, quy đổi đạo đức và sự thánh thiện thành “đậu phộng”. Nghe có vẻ bệnh hoạn, một chút kì quái, khác người nhưng thật ra Trường Sinh của chúng ta chỉ là đơn giản hóa tất cả hình thức và khái niệm. Ở anh sẽ không có tính từ “tương đối” mà là “tuyệt đối”, sẽ không biết cái gọi là nịnh bợ, kiếm chát, gian lận, thiệt hơn. Bởi vì một việc tốt bằng một hạt đậu, hai việc tốt bằng hai hạt đậu, ai cho hơn anh không cần, ai biếu tặng anh không lấy. Cái “ngốc” của Trường Sinh đúng như thầy Chu nhận xét: “Người trong thôn bảo nó là tên ngốc, ta lại nói đó là vì tấm lòng nó sạch sẽ, thế gian dơ bẩn không thể nhập vào được mắt nó…”

Tên ngốc Trường Sinh có thể làm được tất cả mọi việc mà đàn ông trên đời làm, thậm chí làm được cả những việc mà họ không thể làm. Câu chuyện là cả quá trình Hà Hoa tìm lối đi vào thế giới trắng trẻo và nghiêm ngặt trong tâm hồn anh. Là quá trình Trường Sinh học cách yêu, cách chở che, cách hòa nhập, cách mở cửa trái tim để đón nhận một thứ gọi là “vợ”, là “con”.

Theo như tôi nhận định dựa trên khoa học, Trường Sinh là một dạng tự kỉ cấp độ 1, gặp khó khăn trong giao tiếp và nhận thức. Nhưng cuộc đời đã đem anh tới và nhân duyên khiến anh có một “bà nội nuôi” kiên nhẫn, phúc hậu và sáng suốt như bà Tứ. Chính người phụ nữ đó đã khiến Trường Sinh có thể sống bình thường như mọi con người, dạy cho anh nhìn và nghe, hiểu và cảm, tạo ra nếp sống chuẩn mực và phương thức dạy dỗ hiệu quả nhất. Bà Tứ là một người phụ nữ thật đáng nể, bà làm được việc mà có biết bao bà mẹ trên đời đã phải bỏ cuộc. Vì lẽ đó, tôi đặc biệt yêu thích nhân vật này và cũng rất mãn nguyện vì cuối cùng bà cũng tìm thấy hạnh phúc riêng tư, làm tròn sứ mệnh của một người phụ nữ.

Câu chuyện tái hiện một xã hội thu nhỏ mà ở đó từng chuyện lặt vặt cỏn con cũng có thể trở thành đề tài bàn tán cho dư luận. Cũng dễ thông cảm nếu ta suy xét từ góc độ cuộc sống. Người dân trong thôn đều là những bần nông, quanh năm gắn bó ruộng vườn. Họ không có gì để mua vui và giải trí ngoại trừ chuyện ông này chồng bà nọ bố cô kia. Nhưng phía sau mỗi câu chuyện luôn là một sự thật về kiếp người.

Họ có thể giống như ông Lý Trung, người chồng người cha có vẻ vô tâm, có vẻ thô bạo, có vẻ mèo mỡ, có vẻ hám lợi nhưng thực chất ông ấy vẫn là một con người sống vì gánh gồng một mái nhà. Tình thương của cha khó thấy và hay bị hiểu lầm, tình yêu của chồng khó biết nhưng nó luôn tồn tại. Cũng bởi họ là nông thân thô thiển, kém văn dở nói, không thể nào bộc lộ hết yêu thương bằng sự bay bổng và diễm lệ của cảm xúc. Người bố này dồn nén cả tấm lòng vĩ đại vào lớp vỏ hằn hộc xấu tính, ông cũng là người khiến tôi phải bân khuân suy nghĩ tận khi câu chuyện khép lại.

Khái niệm về tình yêu ở đây đơn giản vô cùng. Yêu nghĩa là sẽ bên nhau hết đời, sinh con dưỡng cái, lúc yên ấm khi cãi vã, lúc nhọc nhằn áo cơm, khi mỉm cười nhìn lũ con ăn no say ngủ,… Cuộc sống là như thế nhưng cũng thật mặn nồng và tình tứ theo cách riêng của nó. Giống như đôi Trường Sinh – Hà Hoa sau ghen tuông giận hờn lại càng thấm thiết gắn bó. Ai mà không cảm động trước anh chồng ngốc không biết dỗ dành, không biết giải thích, không biết ăn nói nhưng lại nhất mực si tình, đêm ngày bám theo vợ để xin xỏ một nụ cười, để thỉnh cầu một cái liếc mắt. Anh rất ngốc vì anh không nói được, không diễn tả được, không làm cho Hà Hoa hiểu anh yêu vợ thế nào. Anh đem tất cả yêu thương gửi vào đôi mắt ngờ nghệch nhưng chân thành, anh đem tất cả tình cảm để vào sự điên cuồng và đau đớn vì đánh mất nàng.

c2c4fc8c8a7061f1ee58171b01eddb92aa7f375d17060-0EAiRm_fw580

Trường Sinh là chàng ngốc và chàng ngốc ấy đang yêu!

Khi chàng ngốc yêu, hắn có thể bất chấp tất cả để giữ nàng bên cạnh, hắn sẽ ngoan ngoãn nghe lời vợ, yêu chiều vợ, để năm tháng của họ trở thành hồi ức ngọt ngào.

Khi chàng ngốc yêu, hắn sẽ lại chăm chỉ cày cấy mỗi ngày, gánh nước chẻ củi, làm tất cả để cuộc sống của nàng nhẹ nhõm và no ấm.

Khi chàng ngốc yêu, hắn sẽ ngồi đếm đậu phộng mỗi ngày, tính xem mình phải làm bao nhiêu “việc tốt” thì có thể xin vợ một lần ân ái. ^^

Khi chàng ngốc yêu, hắn sẽ khao khát được làm cha, sẽ tập tành tính khoe khoang vì các cô bé cậu bé xinh xắn nhà mình.

Và khi chàng ngốc yêu, hắn sẽ cố gắng diễn đạt cảm xúc của mình, qua cách gọi nàng trầm ấm trong đam mê, qua cách nhìn nàng tha thiết bằng đôi mắt và có lẽ một ngày nào đó hắn sẽ nói: “Sau này, để cho ta chết trước nhé.”

Cả câu chuyện là những biến cố đời thường, lắm hài kịch cười vỡ bụng, lắm bi kịch rơi nước mắt nhưng mà cuộc đời là vậy, cuộc sống là thế, mỗi nhân vật trong câu chuyện đều có một kết thúc dành riêng cho mình

Trường Sinh-Hà Hoa sẽ quay quần trong mái nhà nhỏ và các con dấu yêu của họ.

Lý Trung và Ngô thị sẽ lo lắng cưới vợ cho con trai út, nuôi nấng con gái út, sau đó thì cùng nhau chờ tóc bạc răng long.

Hạnh Hoa và chồng sẽ có cuộc sống mới hạnh phúc.

Đại Bảo và nha đầu béo rồi cũng mặn nồng như bao đôi vợ chồng.

Bà Tứ và thầy Chu sẽ từng chút góp nhặt bình an và nuôi dưỡng hôn nhân muộn màng của họ đến ngày nhắm mắt.

Trần góa phụ có lẽ sẽ tìm ra bến bờ hạnh phúc thật sự dành cho mình…

Mỗi buổi sáng, gà vẫn gáy ở trong thôn, mặt trời vẫn nhô lên từ đỉnh núi và mọi người vẫn đem cuốc ra đồng. Tháng ngày êm ả cứ vậy trôi đi…

71-463939

Online và ebook

Bài liên quan: REVIEW TỔNG HỢP

15 bình luận về “Chàng ngốc ở thôn nọ – Phúc Bảo

  1. Đọc truyện này sau khi đọc Chồng khờ – Lâu Vũ Tình vì kết cấu 2 truyện có nhiều điểm giống nhau.
    Mỗi truyện có nét hay riêng
    Không biết b đã đọc Chồng khờ chưa? Nếu chưa thì m chân thành giới thiệu 🙂

    Thích

  2. Mình đang đọc truyện này nè thấy thích lắm. Lúc đầu mình thấy cái tên mình không thích lắm, có lẽ mình bị dị ứng với cái cốt truyện một vương gia nào đó bị hãm hại thành một thằng ngốc nên mình tưởng truyện này cũng vậy định bỏ qua rổi. Sau đó trong lúc tìm cho mình bộ truyện nào để đọc mình đọc lướt qua cái văn án thấy thì ra mình đã sai lầm và quyết định đọc nó. Mình cảm thấy mình không phí thời gian khi đọc truyện này, dễ thương lắm! Cảm ơn Hoa Ban đã review truyện! 🙂

    Thích

  3. Cám ơn review của bạn Hoa Ban. Tôi mới đọc vài chương đầu của CNOTN, trước là do bị thu hút bởi nhan đề là lạ (tôi không phải là một độc giả trung thành của truyện ngôn tình TQ nên rất lơ tơ mơ về thể loại này) và giờ thì bị thu hút bởi câu chuyện rất đời thường nhưng cũng đậm chất nhân văn. Tuy mới đọc có một khúc nhưng rất tâm đắc với review của bạn.Một lần nữa cám ơn bạn.

    Thích

  4. Ôi đọc nhiều review của Hoaban rồi giờ mới lộ mặt hic hơi trễ nhưng mà cảm ơn Hoaban nhiều lắm nhá!<3 nhờ đọc review của bạn mà mình biết được nhiều truyện hay để đọc ! Thanks nhiều nhiều và mong bạn có thêm nhiều review về các truyện điền văn nhé vì mình yêu thể loại này lắm lắm lun! Chúc Hoaban thi đậu đại học và thành công nhé!^^

    Thích

  5. Cảm ơn bài review của Hoaban, bài viết nhẹ nhàng như lại rất sâu sắc, 🙂 chúc hoaban đạt thành tích tốt trong kỳ thi đại học vừa rồi nhé 😀

    Thích

  6. Đọc review của Hoa Ban làm mình nhớ lại lúc chờ MDH đăng chương tr mỗi ngày. Lúc đó đọc được một chương mới là một niềm vui nho nhỏ trong ngày. Bâ giờ tr hết rồi mình lại thấy hụt hẫng ><

    Thích

  7. Cảm ơn bài viết của Hoa Ban. Đọc review của HB bao giờ cũng thấy thỏa mãn.

    Quả thật điền văn là thể loại truyện hết sức bình thường, đời thường nhưng lại đầy chân thực.Mình thích thể loại này.

    Chúc HB có kết quả cao trong kỳ thi đại học vừa rồi ^^

    Thích

Biểu cảm cho comment: [̲̅$̲̅(̲̅ιοο̲̅)̲̅$̲̅] ≧▽≦ (─‿‿─) ✿◕ ‿ ◕✿ ❀◕ ‿ ◕❀ (ノಠ益ಠ)ノ (◡‿◡✿)  (✿◠‿◠) ≥^.^≤  (>‿◠)✌ ٩(●̮̮̃•)۶ ≧◠◡◠≦✌  ≧'◡'≦  ≧◔◡◔≦  ≧◉◡◉≦ ≧✯◡✯≦  ≧❂◡❂≦  ≧^◡^≦  ≧°◡°≦ ᵔᴥᵔ  (°⌣°)  ٩(^‿^)۶ ٩(͡๏̮͡๏)۶ (>‿♥)  ♥‿♥ (▰˘◡˘▰)  ಠ_ృ ಥ_ಥ ►_◄ (╥﹏╥) ( つ﹏╰) (─‿‿─) ◤(¬‿¬)◥ (∪ ◡ ∪) ▧.▨ (*^ -^*) •(⌚_⌚)• (-’๏_๏’-) 囧