Bình luận tiểu thuyết · Giới thiệu sách hay

Em là đôi cánh của anh – Chiết Chỉ Mã Nghị

(Vừa phát hiện một bài review chưa được post lên. Bệnh đảng trí giai đoạn cuối, đọc giả thông củm ^^)

Hoa Ban không yêu thích thể loại quân nhân cho lắm, cũng không đọc được nhiều truyện loại này, chỉ mới coi qua Mục tiêu đã định, Độc quyền chiếm hữu, Sắc màu ấm, v.v… Cho nên tới thời điểm này, “Em là đôi cánh của anh” trở thành bộ quân nhân mình cảm thấy vừa ý nhất. Đầu tiên là nó không viễn tưởng xa vời quá như truyện của Đinh Mặc, thứ hai là nó không phải kiểu kiến thức sơ sài không  đúng trọng tâm như Tâm Thường

Mình tự hỏi vì sao trong làng ngôn tình có hẳn một thể loại gọi là “quân nhân” mà mãi sau này mới xuất hiện. Hình như từ cơn sốt Độc quyền chiếm hữu, “quân nhân” trở thành cụm từ được nhiều fan ngôn tình săn đón. Mình rất thông cảm cho tâm lý chung của các bạn nữ. Không riêng gì thời điểm này, từ rất lâu rồi, chủ nghĩa anh hùng lãng mạn đã trở thành một phần trong văn học viết. Ai lại không biết những vần thơ nói về người lính ẩn chứa tâm tư kính đáo của tình cảm nam nữ. Ai lại không nghe “Mãi mãi tuổi 20” mà Nguyễn Văn Thạc đã gửi gắm lời tình yêu mơ mộng đến cô gái Như Anh ở đất Hà thành… “người lính” từng là tiêu chuẩn thẩm mỹ trong mắt thiếu nữ Việt Nam vào thời kì loạn lạc. Đó là lý do ra đời biết bao mối tình đẹp nhưng ngắn ngủi giữa chàng tiến tuyến với nàng hậu phương. Chiến tranh luôn là thời điểm chực chờ sự mất mát, họ yêu nhau và cũng hiểu một ngày nào đó sẽ lại hay tin người kia không còn…

Dĩ nhiên tôi không làm phép so sánh nào giữa “văn học chủ nghĩa anh hùng lãng mạn” với “ngôn tình quân nhân”. Ngôn tình chẳng qua là tiểu thuyết rẻ tiền (dù bây giờ nó khá đắc tiền) với ít giá trị và nhiều giải trí. Tôi thích đọc ngôn tình vì tôi thích tìm cảm giác. Nếu có may mắn, tôi sẽ phát hiện một vài lý lẽ cuộc đời mà một cuốn sách hay có thể đem lại.

Sorry các bạn, mình cũng không nỡ dùng hai chữ “rẻ tiền” để nói về một loại tiểu thuyết mà mình và các bạn đang yêu thích. Tuy nhiên đây là sự thật! Mình chỉ hy vọng đọc giả tìm thấy phút thư giãn và thỏa mãn tâm hồn trẻ trung bay bổng. Ngôn tình là món ăn tình thần chúng ta yêu thích nhưng không phải kim chỉ nam, càng không có nhiều giá trị thực tiễn. Cho nên hãy “đọc và thích”, xin đừng “đọc và làm”.

Lại lan man rồi, quay về với nội dung chính, mình nói tới đâu ấy nhỉ? À, về thể loại “quân nhân”. Có thể xem nó là một “hậu tố”, một loại “di chứng” để lại sau giai đoạn văn học Cách mạng. Truyện ngôn tình viết về người lính dĩ nhiên phải có màu sắc anh hùng và tuyệt đối không quên lãng mạn. Ngôn tình quân nhân viết cho thời bình, mong đem tới chút gì hương vị xưa cũ của một thời đại đã qua, phảng phất hình tượng những con người mũ đeo sao, tay cầm súng, mặc quân phục. Họ đã từng mang cả linh hồn cách mạng và tổ quốc vào thời chiến. Bây giờ họ mang câu chuyện tình mộng mơ, mang hình mẫu người đàn ông lý tưởng cho các bạn gái yêu thích ngôn tình. Chỉ vậy thôi, có phải các bạn chờ đợi điều này trong những cuốn quân nhân không? Hoa Ban cũng thích chứ, một nhân vật được xưng tụng tá tướng gì đó, có cuộc sống hoành tráng như phim Hollywood, làm được nhiều chuyện phi phàm, ra những mệnh lệnh như “thánh chỉ”, chưa kể anh ta nhất định có 6 múi, mình đồng da sắt như lực sĩ,… ái chà chà, oách chết đi được, *chảy nước dãi*

Hd (79)

Cho nên kết luận lại, ngôn tình quân nhân có màu sắc riêng biệt và chính nó thu hút bạn. Truyện nào kể qua loa về tính chất “quân đội”, nói sơ sài về hình ảnh người làm lính thì tức là nó đang “mượn danh” để thu hút người đọc thôi. Hoa Ban cho rằng một cuốn quân nhân thực sự ít nhất nó phải có trình độ ngang ngửa “Em là đôi cánh của anh”. Dĩ nhiên truyện này không xuất sắc nhất nhưng nó tương đối chuẩn mực, xứng đáng để gán hai chữ “quân nhân” mà không thấy hổ thẹn ^^

Truyện viết thực nhẹ nhàng, thực vui vẻ mà lại “vô ý” làm người đọc nghẹn ngào. Tình tiết nhìn chung là hướng tới sự nhộn nhịp, tươi trẻ và tràn trề nhiệt huyết của thanh niên. Nhưng nó luôn ẩn chứa những chân tình vu vơ biểu lộ, vẽ nên một thế giới nội tâm che giấu sau các nhân vật, để rồi thỉnh thoảng nó “tình cơ” hé mở cướp đi nước mắt người đọc, làm chúng ta ngơ ngẩn một giây… Cuốn sách này thành công, cảm xúc chân thật và trong trẻo, ít nhất là nó không khiến Hoa Ban tiếc tiền sau khi đóng lại ^^ (dạo này mua sách gì đọc xong cũng thất vọng cho nên có lòng hoài nghi cực lớn với mấy Công ty phát hành >_<)

f22

Điểm cộng to đùng và làm nên phần lớn cái hay của quyển sách chính là “vùng trời trong mắt người chiến sĩ không quân”. Phải nói rằng nam chính Trử Tụng đã xây dựng rất thành công, từ ưu điểm đến khuyết điểm đều làm người ta yêu thích. Anh ấy không phi phàm quá đổi, không nắm đầy uy quyền, không có vẻ siêu thực như thần thánh trong tác phẩm Đinh Mặc. Hình tượng của Trử Tụng không phải kể qua loa chiến công thế này, chức vụ thế kia, con ông cháu cha hay là niềm đam mê từ nhỏ đối với bầu trời. Trử Tụng trong chuyện gần gũi, chân thật, một người lính bình thường như mọi người lính nhưng lại không tầm thường như bất cứ người lính nào. Hoa Ban từng kỳ vọng rất nhiều vào Phong Ấn trong Mục tiêu đã định, nhân vật này vì đam mê với máy bay mà từ bỏ cơ nghiệp gia đình để đi nhập ngũ. Nhưng rốt cuộc mình đọc mãi, tìm mãi lại không thấy điểm nào chỉ rõ anh ấy có lòng nhiệt thành với bầu trời, tựa như mọi cái cớ là do người viết qua loa nói đến, bản chất con người của nhân vật không thể hiện được.

Trử Tụng ở đây hoàn toàn khác. Anh chả có ham mê gì với nghề nghiệp này, bước vào quân ngũ là rủi ro, anh còn liên tiếp phạm lỗi, kháng lệnh, quấy phá chỉ chờ đợi bị trục xuất trở về nhà. Mất hình tượng quá! (==) Nhưng rồi cái duyên với màu xanh lam rất tự nhiên mà đến, tựa như định mệnh, tựa như anh sinh ra đã thuộc về nó, tựa như bầu trời là cuộc đời anh… Nói thật, các bạn đừng cười, Hoa Ban thích đọc “chuyện tình” giữa nam chính với chiếc máy bay hơn cả chuyện tình của đôi nhân vật ^_^

Thảo nào Kiều Ưu Ưu lại xác định tình địch lớn nhất của cô không phải đàn bà mà là một cục sắt. Nữ chính ghen tuông vì máy bay “tranh sủng” với cô, Ưu Ưu không biết phải đi đánh ghen với chúng nó bằng cách nào!?

Trử Tụng yêu màu lam của quân phục không phải vì nó đem tự hào tới cho anh, không phải công việc anh ao ước, không phải vì truyền thống gia đình, càng không phải vì mấy tấm huân chương chói lóa trên ngực. Anh không giống nhiều người phi công khác. Họ tranh đấu sức đầu mẻ trán để ngồi vào khoang lái, họ lớn lên với lý tưởng về đôi cánh và bầu trời… Trử Tụng dường như ra đời với năng khiếu của người lính không phận, anh có duyên với máy bay, trong gene trong máu đã mặc định là bay lượn. Có tài là 1 điểm, rèn luyện là 9 điểm còn lại, có thể nói con đường của anh may mắn và dễ đi hơn nhiều người. Vậy còn ước mơ? Trử Tụng chẳng có ước mơ, cũng không có khao khát như những phi công khác. Anh đến với máy bay rất tình cờ, hoàn cảnh thúc ép và trong lúc anh mất phương hướng nhất, tuyệt vọng nhất thì nó đã giơ bàn tay sắt lạnh cứu vớt anh. Tình yêu đơn phương thầm lặng, cuộc đời bốn bể không thấy điểm dừng,… Trử Tụng bất ngờ nhận ra vẫn còn một nơi chứa chấp mình – một nơi để anh nhìn thấy bản thân, thoát khỏi cái vỏ vô dụng ngu ngốc tuổi thành niên.

Casualty Return Afghanistan

Mười mấy thanh xuân, Trử Tụng hiểu ra anh thuộc về vùng trời…

Câu chuyện đem lại cảm xúc chân thật của tâm hồn người lính, cái gọi là “lý tưởng” “bản lĩnh” đâu có gì xa vời, nó thể hiện ở hành động bình thường nhất, dễ hiểu nhất. Và hình ảnh chàng lính không quân Trử Tụng đã được Chiết Chỉ Mã Nghị tóm tắt bằng duy nhất một câu:

“Trung Quốc có thể không có máy bay chiến đấu tiên tiến nhất, nhưng lại có phi công ưu tú nhất.”

Phải như vậy thì mới gọi là ngôn tình quân nhân! Phải đem tới cảm xúc bùi ngùi và tri âm đối với công việc, đối với đối tượng lao động, với công cụ lao động thì đấy mới là người lính yêu nghề. Bạn sẽ trầm mặc mím chặt môi khi nhìn thấy Trung tá Lý luyến tiếc sờ vào khung sắc lạnh lẽo của J-10, ngậm ngùi chia tay với người bạn tri kỉ, bởi vì cuộc sống không cho phép ông du ngoạn với nó nữa. Khi mà khí quyển và đài ra-đa trở thành cuộc đời, họ cũng yêu mến nó như gia đình, như vợ con nhưng sẽ không lựa chọn nó. Bởi vì máy bay có phi công khác lái còn vợ con thì chỉ có một chồng, một cha.

“Trử Tụng không biết, nếu một ngày Kiều Ưu Ưu nằm liệt giường không dậy được, liệu anh có dũng khí nói lời tạm biệt với máy bay hay không?”

Tôi thích nam chính không phải vì vẻ bề ngoài, gia cảnh hay tiền tài của anh. Trử Tụng đẹp nhất khi anh ngồi trong khoang lái, cùng lên cùng xuống, cùng lượn cùng bay và cùng chết cùng sống với con chim sắt. Anh luôn tâm niệm máy bay và phi công có chung sinh mệnh, anh phải tồn tại với nó tới phút cuối cùng, khi đôi ta bay lên bầu trời thì động cơ đã thay nhịp thở, nhiên liệu là máu, ra-đa là đôi mắt của anh. Chính vì lẽ đó mà Trử Tụng không bao giờ bỏ rơi máy bay, sau chuyến tuần đêm đuổi bắt với phi hạm không quốc tịch, anh vẫn bình tĩnh đem J-10 hạ cánh với tình trạng nguy kịch. Gía trị hàng triệu đô của máy bay là thứ yếu, nguyên nhân chủ yếu là lý tưởng của người phi công: phi công giỏi không bỏ rơi bạn đồng hành!

aircraft_F22_2

Hoa Ban chợt nhớ tới một câu chuyện nhỏ ở Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ. Chính quyền đế quốc đã treo cái giá kết sù cho bất kì ai bảo vệ phi công Boeing B-52 trở về nước an toàn. Những người lính nhảy dù sau khi bị quân đội ta bắn rớt đã được đế quốc xem trọng bằng hàng chục chiếc máy bay. Đối với họ, máy bay có thể lắp ráp nhưng một phi công lái B-52 thì cần năm tháng mài giũa, bản lĩnh từ mẹ sinh ra, nghìn người có một. Họ là tài sản vô giá của tổ quốc, là món vũ khí lợi hại hơn phi hạm!

Và Trử Tụng trong câu chuyện phần nào đã toát lên giá trị đó. Người viết nói về công việc của anh rất nhẹ nhàng, khiêm tốn nhưng ẩn chứa phía sau là hàng tấn nguy cơ mà bạn không phớt lờ được. Trử Tụng kể về nghề lính của mình rất giản lược, dường như nhàn nhã giống nghề giáo, trách nghiệm cao như nghề y bởi vì chính anh cũng quen rồi với bờ vực sống chết trong sự nghiệp, với kham khổ rèn luyện, với sinh tồn khắt khe. Trên hết, anh không muốn vợ mình bất an, anh sợ cô phải sống tháng ngày phập phồng hồi hộp. Trử Tụng là phi công nhưng cũng là người chồng. Tình yêu của anh dành cho Ưu Ưu chưa bao giờ kém hơn tình cảm người không quân dành cho vùng trời…

army-pathfinder-school-570x379-bcaf1

Tôi cảm thấy mối duyên của họ rất có tinh thần cách mạng. Họ là những người hiếm hoi sống trong thời bình mà có nổi sợ sinh tử. Nghề nghiệp của anh đặc biệt và con người anh thì đơn giản vô cùng. Trử Tụng yêu Kiều Ưu Ưu, đơn giản vậy thôi! Chẳng biết tại sao trong hàng tỷ phụ nữ anh lại thích cô, càng chẳng biết vì sao năm dài tháng rộng anh không quên được cô.

Tôi thực sự rung động vì tấm lòng chân ái của chàng lính này. Trử Tụng với bao nhiêu kì vọng của tổ quốc, với trách nhiệm nặng nề trên đôi vai, với cương vị thượng tá người người trọng vọng… niềm hạnh phúc của anh rất đơn giản, đó là kéo vợ dậy từ trong chăn, nhờ cô cài hộ những hàng huân chương quang vinh lên ngực áo.

Em có thấy chưa, đây là những chiến công của anh. Anh không còn là đứa trẻ chưa lớn hay gay sự đánh nhau. Bây giờ anh là phi công đặc cấp xuất sắc nhất Cộng hòa nhân dân Trung Hoa rồi. Như vậy có đủ để vợ tự hào không? Có đủ để em yêu chồng một chút không?

Trử Tụng âm thầm phấn đấu, mấy lần trải qua nguy hiểm, một phần vì đất nước, vì đồng đội, vì màu lam của sắc lính, một phần khác còn vì Kiều Ưu Ưu. Trong mắt cô, hôn nhân của họ tẻ nhạt, không có tiền đề từ tình yêu, vội vàng và hình thức. Trong mắt cô, anh là người chồng lu mờ cả năm chỉ gặp vài lần, là đứa con trai lưu manh xốc nổi thuở bé. Trử Tụng lừa được giấy chứng nhận kết hôn nhưng anh không có trái tim của Ưu Ưu, anh chỉ còn cách bán mạng cùng bầu trời, sống chết với J-11. Thứ đánh đổi là sinh mệnh và tuổi xuân, thứ đem về huân chương, bằng khen, là chức vụ địa vị,… chỉ hy vọng hình ảnh mình tốt đẹp một chút, Ưu Ưu sẽ tự hào một chút, cũng ít ghét anh đi một chút.

b3599cf1-ec81-4835-87cd-9c7533a0b328

Hai năm lấy nhau, cô vẫn là cô gái độc thân sống thời thượng và bề bộn. Căn nhà quen rồi thiếu đi người chủ, phòng ốc quen rồi bị xáo trộn lung tung… Ưu Ưu là cô gái hời hợt và năng động. Cô không xấu, chỉ là không tốt cho lắm. Tính tình nóng nảy, không dịu dàng, bản tính manh động thích gây chuyện. Sống không để ai đè đầu cởi cổ, không để ai bắt nạt, cũng không để ai có cơ hội chở che. Ưu Ưu không phải mẫu phụ nữ làm đàn ông yêu, cô ồn ào quá, dữ dằn quá, miệng giỏi mắng người, tay giỏi đánh nhau… người như vậy mà Trử Tụng yêu sống chết mười mấy năm rồi, thiên lý ở đâu???

“Anh ba nhà em có điểm nào không bằng cái tên Tống Tử Đồng kia?”

Trử Tự đã bức xúc hỏi chị dâu như vậy. Đúng, ai có thể tốt hơn Trử Tụng kia chứ? Người đàn ông như vậy mà Ưu Ưu vẫn không yêu!

Trong bốn anh em nhà họ Trử, Trử Tụng có lẽ không uy quyền bằng anh cả, không thành đạt như anh hai, không hào hoa ngời ngời như cậu em út nhưng anh tuyệt đối là người giỏi nhất, chưa từng dựa dẫm vào cha, tất cả những gì anh có hôm nay là bản thân anh phấn đấu. Một người dàn ông như vậy mà Ưu Ưu còn chê bai cái gì?

Thật ra cô nàng nữ chính này vừa đáng giận mà vừa đáng yêu. Cô hơi chậm chạp trong tình cảm nên phí mất 2 năm của họ. Đến khi cô tỉnh ra, hiểu được, cảm nhận được thì cũng bình thường như bao phụ nữ khác, cũng ghen tuông, giận hờn, ích kỷ, hy sinh và đau khổ… Mình cho rằng truyện này không ngược tâm, nó chẳng qua là hành trình gập ghềnh để đôi trẻ hạnh phúc mãi mãi.

hinh-buon-khoc-14

Cả câu chuyện là hài kịch bất tận, một sân khấu vui nhộn với nhân vật chính là đôi vợ chồng hễ gặp là cãi lộn, quăng ném lung tung, không phút nào cho thiên hạ yên ổn. Ấy vậy mà họ trở mặt cực nhanh, vừa chửi nhau xong lại lôi lên giường, ân ân ái ái… Buồn cười nhất là bạn Ưu Ưu vô cùng nghiêm túc nhắc nhở con sói mặc áo quân nhân: “Này, hình như chúng ta đang chiến tranh mà!!??”

Cuộc hôn nhân của họ là như vậy, rất ồn ào, rất mất trật tự nhưng mà ai dám nói phía sau đó không có một tình yêu kiên định thủy chung của Trử Tụng, không có tình yêu ngây ngô trong trẻo của Ưu Ưu? Họ luôn như vậy, một phút nặng lời rồi sau đó hôn nhau, một phút giận dữ rồi cũng ôm nhau say giấc… Bởi vì Ưu Ưu nóng nảy và xấu tính, bởi vì Trử Tụng quá mệt mỏi sau mỗi lần huấn luyện kiệt sức. Thời gian của họ thật xa xỉ, ít ỏi tới mức cô không cảm thấy mình có chồng. Giận anh, buồn bực với anh nhưng cô cũng đau lòng vì đôi mắt đen thẫn thờ không gượng nổi.

Anh đi rồi, cô lại tiếc nuối vì sao thích cãi nhau. Một năm chẳng ở gần mấy ngày, vậy mà họ không tận dụng! Ưu Ưu có tất cả phiền muộn của người vợ hậu phương, cô cũng không mong chồng mình vĩ đại như thế, làm được nhiều điều phi phàm như thế, lập chiến công hiển hách như thế. Bởi vì anh vĩ đại quá thì không còn thuộc về riêng cô nữa, mà là chỉ huy của sư đoàn, là tài sản của tổ quốc. Anh tài giỏi quá thì không ở gần cô được, lúc nào cũng tập huấn, công tác, thăng chức rồi lại đi xa. Anh lập chiến công là mỗi lần thách thức với Tử thần, cô không cần huân chương hay bằng khen, cô chỉ cần anh bình an.

Wars-Tet-14

Ưu Ưu nhớ anh khi cô phủ chăn lên mình, tưởng tượng tới vòng tay an toàn, ấm áp của Trử Tụng, đi vào giấc ngủ khó khăn, mơ về anh với niềm tự hào lẫn lo lắng.

Và sư đoàn không quân 1 sẽ không bao giờ quên được thói quen của anh chàng thượng tá. Anh ấy thích coi thời sự buổi tối, à không, đúng hơn là chương trình dự báo thời tiết sau khi hết thời sự. Anh thường giáo huấn cấp dưới: làm lính nên quan tâm tình hình đất nước, chính trị chính em gì đó. Dù ngụy biện ra sao thì sư đoàn vẫn nhận ra ngài thượng tá chỉ thực sự “xem tivi” khi tới dự báo thời tiết. Trử Tụng cảm thấy đoạn quảng cáo giữa chương trình nên cắt bỏ, nhạc mở đầu kết thúc cũng cắt luôn, bởi vì chúng làm chậm trễ giây phút anh nhìn thấy vợ mình. Anh chẳng biết thời tiết ngày mai thế nào bởi vì anh chỉ xem cô biên tập viên dẫn chương trình. Hôm nay cô mặc đẹp hơn hôm qua, hôm nay trang điểm đậm hơn hôm qua (mắt thâm à? Thiếu ngủ à?), giọng của cô có chút bất thường (bệnh rồi à?), cô không dẫn chương trình (xảy ra chuyện gì????). Trử Tụng có thể không gọi điện thường xuyên nhưng chẳng ngày nào anh không chờ 1 phút 30 giây nhìn thấy cô. Tình yêu của anh cô không biết, tương tư của anh đành gửi gắm lên cái tivi trong nhà ăn quân đội. Ây da, đây chính là điểm dễ thương nhất của anh nam chính! ^^

Tai nạn nguy kịch làm anh mất đi tương lai huy hoàng của người lính không quân, xáo trộn cuộc sống đang trên đà hạnh phúc

“Anh đã đem tất cả tuổi thanh xuân và nhiệt huyết của mình dâng hiến cho bầu trời xanh này, vậy mà giờ đây chỉ một vụ nổ đã cướp đi hết tất cả những gì anh có.”

“Trử Tụng cảm thấy cuộc đời đang đùa cợt với anh, anh thoát chết trong gang tấc và cái giá của nó lại chính là sinh mệnh cốt nhục của anh, nếu như vậy, anh thà lấy mạng đổi mạng.”

Đau đớn quá, vùng trời không còn chạm tới…

Phũ phàng quá, cơn hấp hối trên mặt biển bao la…

Nghiệt ngã quá, đứa con chưa kịp chào đời…

Luyến tiếc quá, sư đoàn không quân mất đi một ngôi sao sáng…

Nhưng mà may mắn quá, vì anh còn có Ưu Ưu.

Chẳng qua tình duyên giữa anh và máy bay ngắn ngủi hơn mười năm, chẳng qua anh ra đi để lại tên mình trên bảng vàng lịch sử quốc phòng. Trử Tụng mất đi đôi cánh của mình nhưng kể từ bây giờ Ưu Ưu sẽ là đôi cánh của anh.

Xa vùng trời, anh buồn nhưng gần Ưu Ưu, anh mãn nguyện.

Họ sẽ có một đời dài bù đắp hết thời gian xa nhau. Trử Tụng mãi mãi là một lính không quân xuất sắc, chỉ là bây giờ đôi cánh sắc không còn, anh đi tìm một đôi cánh khác.

Câu chuyện khép lại đúng như nhan đề của nó “Em là đôi cánh của anh”…

Mua sách trên tiki

Bài liên quan: REVIEW TỔNG HỢP

5 bình luận về “Em là đôi cánh của anh – Chiết Chỉ Mã Nghị

  1. Trời ơi, Hoa Ban viết hay quá! Chị chẳng thể nào viết ra được như em . Bao nhiêu năm k cầm tới cây bút nó bào mòn hết mọi từ ngữ 😦 Còn may là vẫn sót lại chút cảm xúc để tưởng nhớ một thời văn vẻ. Cám ơn Hoa Ban nhé. C biết là em viết mỗi review đều bằng cảm xúc và tấm lòng. C trân trọng và biết ơn những dòng chữ của em. Hy vọng e sẽ tiếp tục viết, tiếp tục sẻ chia cảm xúc đến mọi người ^^

    Thích

  2. Lúc Trử Tụng tỉnh lại sau tai nạn và lúc chia tay sư đoàn, mình đã đau lòng tới khóc. Tình yêu của anh với bầu trời được khắc họa quá đẹp đẽ và hết mình, hiếm có bộ ngôn tình nào làm được như vậy. Tính xấu của anh thì đầy ra đó, nhưng mà cũng nhờ vậy lại thấy ngốc nghếch và gần gũi hơn biết bao nhiêu, tự nhiên cũng làm tình yêu của anh chân thực nhiều hơn. Thật ra thì mình không thích chị Ưu Ưu lắm, vì tính tình chua ngoa, lại ít biết nghĩ cho người khác, về sau thì đỡ hơn một xíu ^^

    Đọc truyện của Chiết Chỉ Mã Nghị cứ phải cười tủm tỉm suốt vì mấy anh nam chính dễ thương vô cùng. Chất quân nhân, lòng tự hào người lính, cả những đánh đổi hi sinh, cuộc sống doanh trại và tình đồng chí đều được viết ra rõ ràng, chân thực và xúc động. Nếu có dịp, Hoa Ban đọc ‘Sự mềm mại dưới quân trang’ nha, anh nam chính là anh Lương Mục Trạch giành điện thoại với anh Tụng trong truyện này á, cực kì cực kì đáng yêu luôn ❤

    Thích

  3. Truyện của Chiết Chỉ Mã Nghị mình chỉ mới đọc được bộ Sự Mềm Mại Dưới Quân Trang, anh nam chính trong truyện cũng dễ thương, cực kỳ kiệm lời, là điển hình của 1 người lính chân chính trong lòng mình =)), truyện đó cũng đề cập rất nhiều đến công việc của người lính đặc công, quả là khác biệt so với nhiều bộ ngôn tình thuộc thể loại quân nhân ^^. Sau khi đọc review quyển này của Hoa Ban mình phải nhảy hố mới được, trước đây có down ebook nhưng vẫn chưa xem, thanks Hoa Ban nhé ^^

    Thích

Biểu cảm cho comment: [̲̅$̲̅(̲̅ιοο̲̅)̲̅$̲̅] ≧▽≦ (─‿‿─) ✿◕ ‿ ◕✿ ❀◕ ‿ ◕❀ (ノಠ益ಠ)ノ (◡‿◡✿)  (✿◠‿◠) ≥^.^≤  (>‿◠)✌ ٩(●̮̮̃•)۶ ≧◠◡◠≦✌  ≧'◡'≦  ≧◔◡◔≦  ≧◉◡◉≦ ≧✯◡✯≦  ≧❂◡❂≦  ≧^◡^≦  ≧°◡°≦ ᵔᴥᵔ  (°⌣°)  ٩(^‿^)۶ ٩(͡๏̮͡๏)۶ (>‿♥)  ♥‿♥ (▰˘◡˘▰)  ಠ_ృ ಥ_ಥ ►_◄ (╥﹏╥) ( つ﹏╰) (─‿‿─) ◤(¬‿¬)◥ (∪ ◡ ∪) ▧.▨ (*^ -^*) •(⌚_⌚)• (-’๏_๏’-) 囧